Trang Tuyển sinh Trường Đại học Công Thương TP.HCM ts.huit.edu.vn

Vào đại học không khó: Quan trọng chọn đúng ngành phù hợp

Mùa tuyển sinh năm nay, cơ hội vào đại học của thí sinh là cực kỳ lớn, bởi nhiều phương thức tuyển sinh linh hoạt của nhiều trường đại học nhằm thu hút thí sinh.

Tuy nhiên, điều quan trọng là thí sinh trúng tuyển vào đại học với ngành học phù hợp mới là vấn đề mà các chuyên gia tuyển sinh lưu ý. 

Từ đầu tháng 03, nhiều trường đại học đã bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển bằng phương thức học bạ Trung học phổ thông. Với phương thức này, thí sinh có kết quả học tập trong ba năm cấp ba khá, giỏi có nhiều cơ hội nắm chắc một suất vào đại học, cộng với điều kiện tốt nghiệp kỳ thi trung học phổ thông quốc gia sắp tới.

Bên cạnh đó, với phương thức xét tuyển này, nhiều trường cũng dành chính sách học bổng đối với thí sinh có kết quả cao. Đến nay, phương thức xét tuyển học bạ tại nhiều trường đại học thu hút thí sinh nộp hồ sơ đông. 

Thí sinh làm hồ sơ xét tuyển đại học. Ảnh minh họa. 
 

Đơn cử, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh sau hơn hai tuần thông báo đã nhận hơn 800 hồ sơ xét tuyển bằng kết quả học bạ. Trong đó, lượng hồ sơ tập trung các ngành thế mạnh của Trường về Quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, marketing, Logistics.

Tương tự, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho hay nhận được khoảng 780 hồ sơ xét tuyển bằng học bạ. Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay theo thống kê đã nhận được hơn 2.300 nguyện vọng xét tuyển, ở cả ba hình thức: nộp trực tiếp tại trường, nhận qua bưu điện và đăng ký trực tuyến.  

Đánh giá sơ bộ, Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung - Phó Trưởng phòng Truyền thông Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Như những năm gần đây, những ngành nghề được thí sinh quan tâm, xét tuyển học bạ nhiều nhất là ngành công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật ô tô, kinh doanh quốc tế, quản trị kinh doanh, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Nhật.

Tuy nhiên, cùng với xu hướng phát triển về truyền thông, quảng cáo hiện nay thì có một số ngành nghề hợp với xu hướng này cũng được thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển khá đông như quan hệ công chúng, truyền thông đa phương tiện, marketing”.

Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa – Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông cho hay, nhận được hơn 1.200 hồ sơ trong đó các ngành nhiều hồ sơ như công nghệ thực phẩm, quản trị kinh doanh, quản trị khách sạn, kế toán, công nghệ thông tin,... còn các ngành ít hồ sơ như khoa học thủy sản, công nghệ vật liệu.

Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa chia sẻ: “Đối với thí sinh xét tuyển theo phương thức học bạ, các em có lợi thế là được xét tuyển sớm và được nhập học vào đợt 1 vào tháng 8, theo dự kiến của Trường. Điều này giúp cho thí sinh khi biết được kết quả trúng tuyển bằng học bạ, sẽ bớt lo lắng khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Chỉ cần đậu tốt nghiệp trung học phổ thông là được nhập học ở Trường”.

Có thể thấy rằng, ở mùa tuyển sinh năm 2021 này, với việc sử dụng nhiều phương thức xét tuyển đa dạng của các trường đại học, thí sinh có nhiều cơ hội, thậm chí dễ dàng để cầm chắc một "tấm vé" vào một trường đại học. Tuy nhiên, vấn đề cần cân nhắc đối với thí sinh, vào đại học không khó – nhưng trúng tuyển vào ngành học và trường học mình yêu thích và phù hợp với năng lực mới là điều cần chú ý.

Thạc sĩ Nguyễn Hải Trường An, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tư vấn tuyển sinh Trường Đại học Kinh tế Luật – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý: “Đầu tiên các bạn phải hiểu được bản thân là ai. Các bạn có thế mạnh, ưu điểm gì, sở trường như thế nào, năng lực ra sao, đặc biệt là sở đoản, điểm yếu.

Các bạn cũng phải tìm hiểu xu hướng ngành nghề trong tương lai. Định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương nơi bạn có ý định làm việc, từ đó mới thấy được toàn cảnh thị trường lao động”.

Theo chuyên gia tuyển sinh, Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin – Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2021 có nhiều phương thức xét tuyển vào đại học. Đối với thí sinh có học lực trung bình, khá sẽ quan tâm nhiều đến phương thức xét tuyển bằng học bạ. Thí sinh cũng cần lưu ý một số thay đổi trong dự thảo quy chế tuyển sinh năm nay:

“Ví dụ, các trường có thể sử dụng kết quả học bạ 3 năm, có trường sử dụng kết quả 2 năm, có trường sử dụng học bạ lớp 10, lớp 11, học kỳ 1 lớp 12 hoặc chỉ kết quả lớp 12. Nói chung, phương thức xét học bạ rất đa dạng. Đặc biệt, khác với mọi năm, các trường sẽ xét tuyển đợt 1 cho đến khi có kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông.

Lý do năm nay trong dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2021 có thay đổi là Bộ yêu cầu các trường chỉ gửi giấy báo trúng tuyển cho các thí sinh khi có đầy đủ các điều kiện, nghĩa là đã có giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời hoặc có phiếu điểm”.

Trước những băn khoăn của thí sinh về cơ hội việc làm sau ra trường, lo lắng về việc làm trái ngành học, về thu nhập... Thạc sĩ Phùng Quán chia sẻ thêm rằng, bất cứ ngành học nào đang được các trường dạy đều có nhu cầu trong xã hội.

Trong khi hiện nay các trường đại học chỉ có hơn 370 ngành đào tạo, còn công việc thì gấp nhiều lần.

Vì vậy, vấn đề ra trường làm việc không đúng ngành chính thì cũng nhiều nhưng có thể làm những ngành gần tương đồng, hay người học có thể dùng kiến thức của mình có được làm nhiều công việc khác...

Thạc sĩ Phùng Quán cũng nhấn mạnh, không có trường học nào đảm bảo cho người học có việc 100% nếu như người học không đủ năng lực, không có kỹ năng…

Khi có năng lực chuyên môn tốt, có kỹ năng nghề nghiệp giỏi, có kỹ năng mềm thì chắc chắn sẽ có công việc như ý. Nhưng, để thành công đòi hỏi mỗi người cần phải có thái độ luôn tích cực, cầu tiến trong công việc. 

Theo VOH Radio.