Trang Tuyển sinh Trường Đại học Công Thương TP.HCM ts.hufi.edu.vn

Học ngành quản trị khách sạn – cơ hội làm việc trong môi trường chuyên nghiệp đang rộng mở

 

Quản trị khách sạn là ngành học được rất nhiều bạn trẻ yêu thích, xuất phát từ đặc điểm của một ngành dịch vụ với môi trường giao tiếp hiện đại, phát huy khả năng sử dụng ngoại ngữ, rèn luyện khả năng làm việc chuyên nghiệp. Những năm gần đây, với xu hướng “lên ngôi” của khối  ngành dịch vụ du lịch, khách sạn – Nhà hàng, việc đào tạo ngành Quản trị khách sạn ngày càng thực tiễn, hiệu quả, cung cấp nguồn nhân lực chuyên nghiệp và chất lượng, đáp ứng sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam nói chung, và ngành kinh doanh dịch vụ lưu trú nói riêng. Nắm bắt xu thế này, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, vừa hoàn thành thẩm định chương trình đào tạo ngành Quản trị Khách sạn, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn, trao đổi cùng TS. Cao Xuân Thủy – Trưởng khoa Du lịch và Ẩm thực xoay quanh ngành học này:

TS. Cao Xuân Thủy – Trưởng khoa Du lịch và Ẩm thực

PV: Xin thầy cho biết về xu thế nhu cầu nhân sự ngành Quản trị khách sạn hiện nay ra sao?

TS. Cao Xuân Thủy: Sự phát triển của du lịch Việt Nam trong những năm gần đây khiến lượng khách nội địa và khách quốc tế đến Việt Nam đều tăng vọt, nhu cầu nhân lực cho các ngành dịch vụ du lịch nói chung, Quản trị khách sạn nói riêng tăng cao hơn bao giờ hết.

Ngành Quản trị khách sạn có tương lai phát triển tốt, bởi cơ hội việc làm luôn rộng mở. Các tập đoàn khách sạn lớn như: Marriott International, Hilton Worldwide, InterContinental Hotels Group (IHG), Accor Hotels… đầu tư vào các điểm đến nổi tiếng của Việt Nam như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang… Với đa dạng các loại hình lưu trú như khách sạn, resort, căn hộ nghỉ dưỡng… có khách sạn quy mô lên tới hàng nghìn phòng, thu hút lượng lớn nhân lực trên các bộ phận nghiệp vụ như: Lễ tân, buồng phòng, dịch vụ F&B, tiệc… , tạo cơ hội việc làm rất lớn cho sinh viên học ngành Quản trị Khách sạn.

PV: Thầy  có thể giới thiệu ngắn gọn về ngành học này? 

TS. Cao Xuân Thủy: Quản trị Khách sạn là ngành học thuộc khối ngành Du lịch, Khách sạn – Nhà hàng. Ngành học tập trung đào tạo kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về lĩnh vực quản lý khách sạn, đồng thời cung cấp kiến thức chung về lĩnh vực dịch vụ du lịch.

Với thời gian đào tạo 3,5 năm.Chương trình đào tạo cử nhân Quản trị Khách sạn tại HUFI đặt mục tiêu kết hợp đào tạo gắn kết giữa kiến thức lý thuyết và hoạt động thực hành, thực tế tại doanh nghiệp.

Sinh viên theo học ngành Quản trị Khách sạn được tham gia các câu lạc bộ chuyên ngành, các hoạt động, sự kiện sôi nổi của bộ môn, của khoa và của nhà trường; được hưởng các chế độ ưu đãi dành cho người học theo quy chế của Trường Đại học công lập; được hỗ trợ vay vốn học tập; được giới thiệu nơi thực tập và làm việc ngay khi đang học và sau khi tốt nghiệp.

Học ngành Quản trị khác sạn các em cần những tố chất và kỹ năng gì?

TS. Cao Xuân Thủy: Là ngành dịch vụ, với tính chuyên nghiệp rất cao, đòi hỏi một số tố chất và kỹ năng cần có của sinh viên theo học ngành này:

  • Đam mê, yêu thích khối ngành khách sạn, nhà hàng, dịch vụ du lịch.
  • Yêu thích môi trường làm việc năng động, môi trường dịch vụ chuyên nghiệp, đẳng cấp.
  • Có tinh thần, thái độ sẵn lòng phục vụ, yêu thích môi trường làm việc quốc tế.
  • Có sức khỏe tốt, kỹ năng quan sát và khả năng kiểm soát cảm xúc tốt
  • Khả năng giao tiếp tốt, kỹ năng ứng xử giao tiếp liên văn hóa.
  • Linh hoạt trong công việc và trong xử lý tình huống

Sau khi tốt nghiệp xong sinh viên học ngành Quản trị khách sạn ra trường sẽ làm ở những lĩnh vực nào?  và làm ở đâu?

TS. Cao Xuân Thủy: Sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị Khách sạn có thể phát triển nghề nghiệp trong môi trường năng động, chuyên nghiệp:

  • Với các vị trí công việc từ nhân viên, giám sát, trưởng bộ phận, trưởng phòng, quản lý điều hành tại các bộ phận chức năng như: lễ tân, quan hệ khách hàng, F&B, buồng phòng, dịch vụ bổ sung, nhân sự, quản lý chất lượng dịch vụ, marketing, bán hàng, dịch vụ khách hàng… trong các hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, chuyên nghiệp của các tập đoàn lớn trên thế giới và Việt Nam.
  • Không chỉ làm việc tại khách sạn, resort, sinh viên tốt nghiệp ngành này còn làm việc tại các lĩnh vực dịch vụ khác như: chuỗi nhà hàng, cà phê, dịch vụ ăn uống; trung tâm hội nghị, yến tiệc; trung tâm tổ chức sự kiện; các khu du lịch, trung tâm vui chơi, khu thể thao, giải trí đẳng cấp (sân golf); các dịch vụ giải trí nghỉ dưỡng, thư giãn… Hoặc tự kinh doanh ngành dịch vụ du lịch, với đa dạng các hình thức: khách sạn, nhà nghỉ, homestay, nhà hàng, khu vui chơi …
  • Giảng dạy kiến thức chuyên môn, giảng dạy thực hành tại các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch, khách sạn, nhà hàng: trường đại học, cao đẳng, TCCN, trung tâm hướng nghiệp dạy nghề...
  • Chuyên viên quản lý lĩnh vực lưu trú tại các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tại địa phương như sở du lịch, phòng du lịch, trung tâm xúc tiến du lịch….

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi ra trường không thưa thầy?

TS. Cao Xuân Thủy: Ngay trong quá trình đào tạo, sinh viên đã được trang bị kiến thức cơ sở, kiến thức ngành về khối ngành dịch vụ du lịch, đó là nền tảng để tiếp tục cập nhật kiến thức chuyên ngành về quản trị khách sạn - nhà hàng, giúp sinh viên dễ dàng học lên trình độ thạc sĩ hoặc học thêm các chứng chỉ khác để hoạt động nghề nghiệp đa dạng trong các ngành thuộc khối ngành dịch vụ du lịch như: quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, du lịch, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành…

Học sinh sau khi tốt nghiệp THPT muốn học ngành Quản trị khách sạn có nhất thiết phải giỏi giao tiếp?

TS. Cao Xuân Thủy: Giao tiếp là một kỹ năng rất quan trọng, không chỉ riêng với ngành Quản trị Khách sạn, mà nhiều ngành khác đều cần kỹ năng này, đặc biệt là khối ngành dịch vụ du lịch. Vì vậy, giỏi giao tiếp là một lợi thế khi học ngành này.

Tuy nhiên, trong ngành khách sạn, lại có nhiều bộ phận nghiệp vụ, chức năng với những yêu cầu tố chất và kỹ năng khác nhau, trong đó, có những bộ phận thì giao tiếp giỏi không phải là một kỹ năng căn bản, cần thiết.

Hơn nữa, kỹ năng giao tiếp là kỹ năng hoàn toàn có thể rèn luyện theo thời gian, trong môi trường học tập và thực hành nghiệp vụ. Vì vậy, các bạn học sinh THPT hoàn toàn yên tâm, sau khi tốt nghiệp THPT muốn học ngành Quản trị khách sạn KHÔNG nhất thiết phải giỏi giao tiếp.

PV: Nếu là sinh viên ngành Quản trị khách sạn thì các em sẽ  học những gì?

TS. Cao Xuân Thủy: Được đào tạo kiến thức ngành dịch vụ du lịch, kiến thức chuyên ngành Khách sạn – Nhà hàng với đa dạng các hình thức học tập: lý thuyết; thực hành; thực tập nghề nghiệp; học kỳ doanh nghiệp; chương trình trải nghiệm thực tế tại các khách sạn, resort đẳng cấp và đạt chuẩn dịch vụ …

Ngành học đào tạo cho sinh viên kiến thức chuyên ngành về quản trị tiền sảnh; quản trị F&B; quản trị buồng phòng; quản trị dịch vụ bổ sung; kỹ thuật và an ninh khách sạn; tổ chức quản lý các bộ phận lễ tân, ẩm thực, buồng phòng; tổ chức sự kiện, yến tiệc; quản lý chất lượng dịch vụ; marketing du lịch, KS - NH; quản trị nhân sự ngành khách sạn; kỹ năng giao tiếp, ứng xử; kỹ năng quản lý trong khách sạn, nhà hàng…

PV: Ngành Quản trị khách sạn của Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TpHCM xét tuyển bằng phương thức nào thưa thầy?

TS. Cao Xuân Thủy: Để xét tuyển vào ngành Quản trị khách sạn tại Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh bạn có thể xét tuyển bằng các phương thức sau:

  • Phương thức 1: Xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT Quốc gia
  • Phương thức 2: Xét tuyển theo tổ hợp 3 môn của học bạ lớp 12
  • Phương thức 3: Xét tuyển bằng điểm kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM
  • Phương thức 4: Xét tuyển thẳng Đại học

Tổ hợp môn xét tuyển ngành Quản trị Khách sạn gồm: A00, A01, D01, D10

Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đã có ngành Quản trị khách sạn, nếu bạn yêu thích ngành học này, nếu bạn muốn tham gia lĩnh vực dịch vụ chuyên nghiệp, không chỉ cho mình công việc, nghề nghiệp mà còn là sự rèn luyện bản thân trong môi trường dịch vụ đẳng cấp, chuẩn mực thì hãy nhanh chóng lựa chọn, đăng ký học ngành Quản trị khách sạn tại trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh.