Trang Tuyển sinh Trường Đại học Công Thương TP.HCM ts.hufi.edu.vn

Tăng tốc nhờ tự chủ, sinh viên không phải đóng khoản tiền nào ngoài học phí

Trường đại học công lập chuyển đổi cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ sẽ là xu hướng trong thời gian tới. Khi đó, đồng thời với việc cắt giảm chi từ ngân sách nhà nước là tăng học phí từ người học. Sau 6 năm thực hiện cơ chế tự chủ, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (HUFI) đã đổi mới cả chất và lượng. Đặc biệt, người học được hỗ trợ nhiều chế độ chính sách cũng như các dịch vụ và cơ sở vật chất tốt.

Sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM năm 2020. Đây là một trong những trường đang thực hiện cơ chế tự chủ

Sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM năm 2020. Đây là một trong những trường đang thực hiện cơ chế tự chủ

Theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ ban hành vừa qua, từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026, mức trần học phí đại học sẽ tăng đều mỗi năm.

Cụ thể, năm học 2022 - 2023 học phí chương trình đại trà trường chưa tự chủ khối ngành y dược có mức tăng cao nhất so với năm trước đó (tới trên 71%); sẽ từ 14,3 triệu đồng/năm nay lên 24,5 triệu đồng/năm. Các khối ngành còn lại hầu hết tăng từ 20 - 30% so với năm học trước đó (trừ khối ngành khoa học sự sống, khoa học tự nhiên mức tăng trên 15%).

Trường đã tự chủ tăng theo mức nào?

Việc tăng học phí không chỉ diễn ra ở trường chuyển đổi loại hình hoạt động mà còn tiếp tục tăng với các trường đã áp dụng trước đó. Ngày 23/6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 901 phê duyệt Đề án Đổi mới hoạt động Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM (HUFI). Có thể nói, đây là bước ngoặt cho HUFI tăng tốc và bứt phá trong các hoạt động của nhà trường.

PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết theo đề án được phê duyệt, học phí năm học tới trường sẽ tăng từ 5%/năm trở lên với sinh viên khóa mới và không thay đổi trong toàn khóa học.

Tự chủ đại học là vấn đề mới đối với giáo dục đại học Việt Nam, các cơ sở giáo dục đại học nếu tận dụng tốt và có đủ năng lực quản trị đại học, sẽ tạo ra cơ hội phát triển mạnh mẽ. Là một trong những cơ sở giáo dục đại học đầu tiên thuộc Bộ Công Thương thực hiện cơ chế tự chủ, HUFI đã tận dụng tốt cơ chế tự chủ để tự khẳng định thương hiệu và phát triển trên nền tảng nguồn lực được đầu tư có trọng điểm.

HUFI đầu tư phát triển mạnh cơ sở vật chât, chất lượng dạy và học, tăng cường chính sách

Ngoài tăng học phí, trường đại học tự chủ sẽ thay đổi ra sao?

PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết khi học phí tăng, trường cũng tăng đầu tư vào các hoạt động nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Trong đó, trường đầu tư phát triển mạnh cơ sở vật chất, tăng cường chính sách thu hút và giữ chân thầy cô giáo giỏi, phát triển hơn trong nghiên cứu khoa học… Tất cả những thay đổi đó nhằm hướng đến mục tiêu cuối cùng là tăng chất lượng người học khi ra trường.

Ngày 23/6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 901 phê duyệt Đề án Đổi mới hoạt động HUFI. Có thể nói, đây là bước ngoặt cho HUFI tăng tốc và bứt phá trong các hoạt động của nhà trường, trong đó, có hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH). Đây là một trong những hoạt động cơ bản của HUFI, hoạt động này được nhà trường quan tâm và liên tục có những bước phát triển nhanh trong suốt 6 năm vừa qua (2015 - 2021). Từ một cơ sở giáo dục đại học với nguồn lực hạn chế cho NCKH, trong giai đoạn trước năm 2015, các kết quả NCKH của HUFI còn rất khiêm tốn, số công trình công bố trên tạp chí quốc tế uy tín dưới 15 bài, số người thực hiện NCKH chiếm tỷ lệ thấp, đề tài NCKH các cấp không nhiều, kinh phí đầu tư cho NCKH rất hạn chế.

Tuy nhiên, từ khi thực hiện cơ chế hoạt động tự chủ theo quyết định 901 của Thủ tướng Chính phủ, bằng những chính sách phù hợp, HUFI đã có những bước phát triển NCKH vượt bậc. Với chính sách thu hút nguồn nhân lực trình độ cao, có năng lực NCKH, HUFI đã gia tăng được một đội ngũ các nhà khoa học trong và ngoài nước. Trong vòng 6 năm, HUFI đã gia tăng hàng trăm giảng viên có trình độ tiến sĩ với khả năng NCKH tốt.

Nhờ có tự chủ, tự chịu trách nhiệm, HUFI đã có thể tuyển dụng viên chức, nhân viên hợp đồng theo nhu cầu, ký hợp đồng lao động với giảng viên, nhà khoa học là người nước ngoài để đảm bảo đáp ứng nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu khoa học; được quyền cơ cấu và quyết định số lượng người làm việc. Do khi được thực hiện tự chủ, mức học phí được thu tăng cao hơn, nên quy mô tuyển sinh có giảm so với nhiều năm trước, nhưng cũng chính nhờ tự chủ, nhà trường đã xây dựng chương trình, lộ trình và thời gian đào tạo.

Nhờ tự chủ, sinh viên không phải đóng khoản tiền nào ngoài học phí

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM chia sẻ: là một trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công thương, đến nay, HUFI là một trong số ít các trường đại học được phép tự chủ hoàn toàn, kể cả chi thường xuyên, chi đầu tư.

Thầy Hoàn khẳng định, nhờ tự chủ mà sinh viên học tại đây không phải đóng bất cứ khoản tiền nào ngoài học phí. “HUFI có lẽ là trường đại học đầu tiên tại Việt Nam đến tiền gửi xe của sinh viên cũng được miễn phí”- Thầy Hoàn nhấn mạnh. Đồng thời, Thầy cũng đã đưa ra cam kết: Nhà trường không bao giờ để tình trạng sinh viên có điều kiện khó khăn, không có điều kiện kinh tế mà không được học. Toàn bộ số sinh viên này đều được hỗ trợ học phí, và có chỗ ở cả trong ký túc xá của nhà trường.

TT TS&TT