Ngành học nào 'hot' và có thể ổn định trong 10 năm tới? Công nghệ sinh học có nhiều cơ hội không?

Sinh viên khoa Công nghệ sinh học, trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM đang quan sát mẫu trong phòng thí nghiệm nuôi cấu mô

Học sinh Nguyễn Trung Kiên - THPT Trần Cao Vân hỏi: "Ngành nghề nào đang hot nhất hiện nay và có thể ổn định trong 10 năm tới?".

Thầy Phạm Văn Lộc – Phó Trưởng khoa Công nghệ Sinh học, trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM: Ngành “hot” bạn đề cập đến ở đây có thể là ngành đang được xã hội quan tâm, một ngành có nhu cầu lao động lớn. Tuy nhiên đầu tiên cũng chia sẻ trước với bạn là khi chọn ngành không phải tiêu chí ngành “hot” là tiêu chí quan trọng duy nhất. Để chọn một ngành phù hợp với một cá nhân cụ thể nên xem xét cả ba yếu tố. Một là bạn có yêu thích ngành đó hay không, hay nói khác hơn đó sự đam mê các vị trí việc làm của ngành sau này. Hai là bạn có năng lực, khả năng thi đậu/học/làm ngành đó. Ba là nhu cầu của thị trường lao động (nhu cầu tuyển dụng, mức thu nhập) sau khi bạn tốt nghiệp. Một ngành phù hợp cho bạn là ngành có thể thỏa mãn cả ba tiêu chí này. Do đó để có thể lựa chọn ngành phù hợp bạn nên suy nghĩ và đánh giá một cách cẩn trọng và nên tham khảo các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp để có cái nhìn khách quan toàn diện. Hiện tại có xu hướng là nhiều bạn chọn ngành theo phong trào, theo những ngành nghe tên rất "hoành tráng", "hấp dẫn” hay ngành dễ đậu. Nhưng nếu không xem xét cẩn trọng thì cũng dễ dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc. Thậm chí nếu bạn học ngành "hot" nhưng bạn không yêu thích ngành này, các tố chất cá nhân của bạn không phù hợp với ngành thì bạn cũng khó có thể theo học một cách vui vẻ và dễ dàng. Và trong tương lai khó thành công một cách trọn vẹn khi theo ngành.

Một ngành có thể tạm thời là ngành "hot" trong thời điểm hiện tại nhưng nên xem xét trong thời gian dài có còn "hot" không đặc biệt trong bối cảnh chuyển dịch nhanh của thị trường lao động hiện nay. Về góc nhìn cá nhân tôi thấy những ngành/nhóm ngành sau đây có thể gọi là ngành có nhu cầu lao động cao.

Thứ nhất là nhóm ngành khoa học sức khỏe, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sản xuất thực phẩm chức năng. Qua đại dịch COVID-19 chúng ta đã thấy vai trò của ngành ngành đối sự ổn định và phát triển của một quốc gia. Khi đời sống càng nâng cao thì nhu cầu chăm lo sức khỏe của người dân ngày càng nhiều.

Thứ hai là ngành công nghệ sinh học. Ngành công nghệ sinh học có một đặc thù là khả năng ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau như y tế, nông nghiệp, thực phẩm, môi trường,... nên ngành có nhu cầu tuyển dụng cao và cũng đang dần được định hình và phát triển đột phá. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự tích hợp liên ngành như công nghiệp thông tin - vật lý - công nghệ sinh học đã tạo ra nhiều sản phẩm có vai trò to lớn. Một ví dụ như trong đại dịch COVID-19, các bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh để phát hiện bệnh nhân dương tính là sản phẩm cụ thể của công nghệ sinh học; hay trong tương lai gần loài người sẽ sản xuất được vaccine để phòng bệnh này cũng như đã từng sản xuất vaccine phòng các bệnh khác đó cũng chính là sản phẩm của công nghệ sinh học.

Thứ ba là nhóm ngành nông nghiệp. Hiện tại vấn đề an ninh lương thực luôn là vấn đề toàn cầu. Nhu cầu về lương thực, thực phẩm luôn ổn định và gia tăng trên quy mô toàn thế giới. Việt Nam là quốc gia có lợi thế cạnh tranh về các sản phẩm nông nghiệp và là quốc gia nổi tiếng thế giới với nhiều nông sản quan trọng. Hiện tại nông nghiệp gắn với công nghệ cao là xu thế tất yếu đang được phát triển mạnh mẽ trong đó có Việt Nam. Do đó nhu cầu việc làm ngành này vẫn luôn rất cần cả hiện tại và tương lai.

Thứ tư là nhóm ngành công nghệ thông tin, viễn thông, thương mại điện tử và các ngành liên quan luôn có nhu cầu cao do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin trong rất nhiều lĩnh vực và nhu cầu làm việc, học tập, kinh doanh… trên nền tảng trực tuyến tăng cao đặc biệt sau COVID-19.

Thứ năm là nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ như cơ khí, điện tử, tự động hóa… luôn rất cần vì đây là nền tảng quan trọng của nền công nghiệp của một quốc gia. Việt Nam đang trong thời kỳ chuyển dịch mạnh mẽ để phát triển thành một nước công nghiệp hiện đại. Cùng với đó là sự đầu tư của nhiều tập đoàn công nghiệp đa quốc gia xây dựng nhà máy tại Việt Nam để cung ứng cho toàn cầu. Nên dự báo nhu cầu việc làm nhóm ngành này sẽ không nhỏ.

Nhiều học sinh quan tâm đến trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM tại ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2020

Một thí sinh hỏi về cơ hội của ngành công nghệ sinh học. Thầy Phạm Văn Lộc – Phó Trưởng khoa CNSH, trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM: Ngành công nghệ sinh học được định vị là ngành công nghệ cao dựa trên nền tảng khoa học sự sống, sử dụng thiết bị kỹ thuật để tạo ra các sản phẩm sinh học trên quy mô công nghiệp phục vụ cho nhu cầu của con người.

Với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, ngành công nghệ sinh học đã được xác định là một trong những mũi nhọn hàng đầu mà Việt Nam phải đạt được. Nhà nước không chỉ dốc lực đầu tư nhiều cho các đề tài nghiên cứu, dự án triển khai, mà còn thành lập nhiều phòng thí nghiệm trọng điểm, nhiều trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học trên khắp cả nước. Bên cạnh đó là tình hình ứng dụng công nghệ sinh học tại nước ta cũng rất sáng sủa. Nhiều công ty đã tham gia trong lĩnh vực này đa dạng trên nhiều quy mô.

Do biên độ ứng dụng ngành công nghệ sinh học rất rộng nên sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học có thể làm được trong nhiều lĩnh vực khác nhau:

- Lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thủy sản: tạo ra các giống mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; tạo ra các công nghệ sản xuất các chế phẩm chăm sóc và bảo vệ cây trồng, vật nuôi; các công nghệ bảo quản và chế biến nông - lâm - thủy sản nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng trong nước.

- Lĩnh vực y tế: nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất các vaccine thiết yếu, vaccine thế hệ mới, chế phẩm chẩn đoán và thuốc chữa bệnh.

- Lĩnh vực công nghiệp: phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học vào mảng công nghiệp chế biến thực phẩm và sản xuất hàng tiêu dùng.

- Lĩnh vực bảo vệ môi trường: nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các giải pháp, chế phẩm công nghệ sinh học trong xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái và sự cố môi trường.

Trong các lĩnh vực của ứng dụng công nghệ sinh học, sinh viên có thể tham gia nhiều vị trí việc làm khác nhau từ nghiên cứu phát triển, vận hành sản xuất, kiểm tra – đảm bảo chất lượng cho đến kinh doanh, khởi nghiệp, quản lý, giảng dạy.... Do đó cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành này lớn. Đặc biệt hơn trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh phát triển nhân lực ngành công nghệ sinh học để ứng dụng các nền tảng công nghệ tiên tiến; các lĩnh vực tích hợp nhiều ngành, nông nghiệp công nghệ cao.

Tại trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, ngành công nghệ sinh học là một trong những ngành truyền thống, mũi nhọn của trường với đội ngũ giảng viên tâm huyết, chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm cũng như cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, nghiên cứu, học tập hiện đại. Đặc biệt công nghệ sinh học là một trong những ngành đầu tiên của HUFI đạt đạt chuẩn kiểm định cấp chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Năm 2020, trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM tuyển sinh ngành công nghệ sinh học theo 4 phương thức: thứ nhất, kết quả thi tốt nghiệp THPT theo các tổ hợp môn. Thứ hai, điểm học bạ lớp 12 theo tổ hợp môn. Thứ ba, kết quả bài thi ĐGNL ĐHQG-HCM năm 2020. Thứ tư, xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục & Đào tạo và Xét học bạ học sinh giỏi lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12.